Có những sinh viên Y Dược như thế! “Có hôm đang học dở, thì thấy bên dưới F1 tới khai báo, đợi lấy mẫu nhiều quá, em đành phải “treo máy” đấy, xuống khoác đồ bảo hộ vào…”, Nguyễn Nhật Linh (sinh viên năm 4, Khoa Y dược, ĐH Đà Nẵng) kể. Ca nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thành phố triển khai điều trị F0, cách ly F1 tại nhà, công việc tại các trạm y tế cứ thế chất chồng. Chẳng hôm nào trạm vắng người tới khai báo dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, hay những cuộc điện thoại yêu cầu tới tận nhà test nhanh…May thay, có một đội ngũ sinh viên ngành y tình nguyện tới trạm y tế tiếp sức chống dịch. Cuộc gọi từ “vùng cam” Đang ở quê nhà Hà Tĩnh, Linh nhận được cuộc gọi từ phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Phường muốn Linh đến trạm y tế để hỗ trợ chống dịch, khi số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn liên tục ghi nhận. “Lúc ấy Nại Hiên Đông đang là vùng cam (cấp độ 3), từ cam chuyển sang vùng đỏ (cấp độ 4) chẳng mấy chốc. Tình hình phức tạp địa phương mới cần mình hỗ trợ. Vậy nên đồng ý liền”, Linh nói nhẹ tênh. Quyết là lên đường, Linh tức tốc đón xe từ Hà Tĩnh vào Đà Nẵng. Bố mẹ chỉ biết ủng hộ và động viên con gái, dù lòng như lửa đốt. Bởi đây không phải lần đầu cô sinh viên ngành y này tình nguyện đi chống dịch, mà đợt tháng 8, tháng 9/2021, thời điểm căng thẳng nhất của Đà Nẵng, Linh cũng đã có mặt tại “điểm nóng” Nại Hiên Đông. Linh mang sách vở áo quần tới ở luôn tại trạm, để vừa học, vừa làm. Giờ học, Linh ở trên tầng 2 học online. Ban đêm tranh thủ ôn lại bài vở. Còn lại toàn bộ thời gian không vướng việc học, Linh dành hết cho công việc. Từ lấy mẫu tại trạm, lấy mẫu tận nhà, hướng dẫn cách ly, hướng dẫn test nhanh... Cho đến việc xử lý các trường hợp bị thương, mất máu… tìm đến trạm. “Có lần học chưa xong, mọi người gọi xuống nhà dân lấy mẫu, mình cũng phải gác bài vở lại để đi”, Linh kể. Những lần như thế, tối về Linh phải mở clip để học lại. Sẵn sàng vào điểm nóng Thái Thị Hoàng Anh (sinh viên năm 4, Khoa Y, trường ÐH Duy Tân) từng vào chi viện cho tỉnh Bình Dương từ tháng 6 đến tháng 10/2021, thời điểm dịch bệnh tại Bình Dương rất căng thẳng. Hoàng Anh làm hai công việc chính là lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng COVID-19 với số lượng người rất đông, thời gian làm từ sáng đến tối. “Vậy nên bây giờ về tiếp sức cho trạm y tế, công việc có nhiều đến đâu mình cũng “cân” được hết. Bất cứ ở đâu, dù là điểm nóng, mình cũng sẵn sàng”, Hoàng Anh khẳng khái. Lê Thị Trang (sinh viên năm 5, Khoa Y, trường ĐH Duy Tân) cũng xung phong về trạm khi biết phường gọi điện tới nhà trường, kêu gọi những sinh viên còn ở lại Đà Nẵng tiếp sức chống dịch. Trang là trưởng nhóm, nên trước khi bắt đầu công việc tại trạm, Trang đã yêu cầu các tình nguyện viên đăng ký lịch có thể tới trạm ngoài giờ học để đảm bảo mỗi ngày, trạm y tế có ít nhất hai người hỗ trợ. Nhóm của Trang có 10 người, phần lớn đều là sinh viên năm 4-5 đã từng ra “tuyến đầu” chống dịch, có kinh nghiệm. Hết mình đến khi trạm “không cần nữa” Hôm tôi đến, vào giữa chiều, đúng ca trực của Nguyễn Xuân Vinh (sinh viên năm 4, Khoa Y, ĐH Duy Tân). Ở phía khu vực khai báo y tế, một phụ nữ tới khai báo là F1 được Vinh hướng dẫn điền thông tin, rồi lấy mẫu xét nghiệm. Vừa xong, Vinh quay sang xem lại số lượng thành viên trong gia đình, điều tra nơi ở rồi báo cáo trạm xem có quyết định cho phép được cách ly tại nhà hay không. F1 vừa rời trạm, một người khác đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 có triệu chứng được bác sĩ yêu cầu đi test nhanh. Vinh lại chuẩn bị đồ lấy mẫu. Phía trong phòng có tiếng gọi với ra: “Vinh xong đừng lột đồ bảo hộ, xuống nhà dân lấy mẫu luôn nghe!”. Thái Thị Hoàng Anh mang đồ bảo hộ chuẩn bị lấy mẫu cho người tiếp xúc với F0 tới trạm khai báo. Ảnh: Thanh Trần Một nhân viên y tế khác chở Vinh đến tòa chung cư gần cảng cá Thọ Quang, nơi có gia đình ba người là F1. Chung cư không thang máy, Vinh chạy thoăn thoắt trên cầu thang bộ lên tầng bốn, mồ hôi trán đổ ra sau lớp kính chắn giọt bắn. Nghe tiếng gõ cửa, cả nhà đưa ghế ra hành lang, ngồi ngay ngắn đợi lấy mẫu. Vừa xong, Vinh lại lên xe đi tới một nhà dân gần đó, với 6 người, có cả bé sơ sinh. Vinh cũng không quên dặn dò mọi người phải chấp hành nghiêm việc cách ly, ăn uống, tập thể dục để giữ sức khỏe. Cứ vậy cho đến chiều tối, cậu sinh viên năm 4 mới hoàn tất việc lấy mẫu tại nhà cho F1. Mấy ngày qua, ca nhiễm tại Đà Nẵng liên tục tăng, ca cộng đồng chiếm phần lớn. Công việc của các trạm y tế thêm nhiều. “Có nhiều trường hợp mình phải chạy thần tốc, như F1 bị đau ốm, cần test nhanh để đi bệnh viện. Hay có một số triệu chứng nghi ngờ. Chậm trễ là bị người dân mắng. Lấy mẫu lỡ làm họ đau cũng bị mắng. Nhắc nhở bà con ở yên trong khu vực phong tỏa cũng bị mắng…Như làm dâu trăm họ vậy đó”, Trang cười. Cô cũng thật lòng, đã có lúc run sợ khi test nhanh một số người ra kết quả dương tính. Nhưng rồi làm nhiều, gan lì hơn, cộng với trang bị bảo hộ kỹ càng nên giờ rất bình thản. Nguyễn Xuân Vinh (sinh viên năm 4, Khoa Y, ĐH Duy Tân) lấy mẫu tại nhà cho F1 trên địa bàn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Ảnh: Thanh Trần Tết đã cận kề, ai cũng nôn nao về nhà. Nhất là những người “mắc kẹt” từ khi dịch bùng phát mạnh từ hồi đầu tháng 5 đến nay. Dù trong lòng cũng có nhiều đắn đo như sợ bị cách ly, sợ “va phải F0” trên đường di chuyển. Còn với những sinh viên ngành Y đang tiếp sức chống dịch, họ đắn đo vì dịch bệnh vẫn còn phức tạp, trạm y tế vẫn cần. “Nếu trạm cần tiếp sức nữa, em vẫn sẵn sàng thôi”, Nguyễn Nhật Linh chẳng hề do dự. Còn Trang, đã lên sẵn “kịch bản” có thể không về quê ăn Tết nếu trạm kêu gọi ở lại. (Nguồn:https://tienphong.vn/co-nhung-sinh-vien-y-duoc-nhu-the-post1410639.tpo)